So sánh các tính năng xe Mitsubishi Triton MIVEC 2017 và Mazda BT-50 2016

Hệ thống dẫn động chứng kiến màn “qua mặt” khéo léo của Triton MIVEC với Super Select II bao gồm bốn chế độ gài cầu và cả khóa vi sai trung

Cơn sốt bán tải vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi hằng tháng vẫn đang có hàng dài những chiếc pick-up xuất xưởng và lăn bánh trên đường phố. Trong bài so sánh lần này, hai mẫu xe so kè cùng nhau tuy có cùng quê hương nhưng “tính cách” lại hết sức khác biệt: Mitsubishi Triton đậm chất Nhật truyền thống với những giá trị cốt lõi ẩn chứa bên trong còn Mazda BT-50 hào hoa, hiện đại đầy cá tính.

Giá bán

Như thường lệ, tôi chọn ra phiên bản “full-option” của hai dòng xe để tranh tài cao thấp, và giá bán hiện tại dành cho hai chiếc bán tải nhập khẩu từ Thái Lan như sau:

Mitsubishi Triton 4×4 AT MIVEC: 785 triệu đồng

Mazda BT-50 3.2L AT 4WD: 819 triệu đồng
Rõ ràng, mức giá của BT-50 3.2 AT đã bị ảnh hưởng mạnh bởi mức thuế TTĐB mới, đưa chiếc bán tải của Mazda vượt mốc 800 triệu và vượt khá xa đối thủ. Trong khi đó, Mitsubishi Triton vẫn tiếp tục “chiến thuật” lấy giá bán là một trong những lợi thế chính yếu nhằm mang đến cho khách hàng sự lựa chọn cũng như giá trị đầu tư hiệu quả nhất, minh chứng là việc Triton MIVEC vừa mới ra mắt chỉ “nhích nhẹ” 10 triệu so với người tiền nhiệm nhưng đồng thời là một loạt các nâng cấp đáng giá.

Ngoại thất

Nhìn chung, cả Triton và BT-50 đều được thiết kế theo hướng trau chuốt và có phần điệu đà hơn những mẫu xe còn lại trong phân khúc. Tuy vậy mỗi hãng xe vẫn tạo được dấu ấn riêng với phong cách đặc trưng của mình, Mitsubishi lịch lãm và điềm đạm trong khi Mazda lại trẻ trung và năng động hơn.

Tiếp đến về yếu tố kích thước, do cùng được chia sẻ khung gầm từ Ford Ranger nên BT-50 là một trong số những chiếc pick-up đồ sộ bậc nhất phân khúc và mọi thông số so với Triton đều nhỉnh hơn. Nhưng “to con” không phải lúc nào cũng tốt, nếu kẹt giữa dòng xe cộ đông đúc hay những đoạn đường chật hẹp thì dáng vóc nhỏ gọn cùng bán kính quay vòng tốt nhất phân khúc của Triton hẳn nhiên là điều mà mọi người lái cần đến.

Từ phía trước, Mitsubishi mang đến diện mạo ấn tượng với lưới tản nhiệt chrome bóng bẩy trong khi Mazda hiện sử dụng lười tản nhiệt với thanh nan to bản sơn đen bóng và được viền mạ chrome, cả hai cùng mang thiết kế trải dài theo phương ngang và kết hợp liền lạc với cụm chiếu sáng được vuốt ôm sang thân xe đầy sắc xảo. Cụm đèn pha của Triton MIVEC cùng đối thủ BT-50 3.2 AT 4WD cùng sử dụng bóng Halogen và có tính năng tự động bật/tắt, hiện đại và tiện lợi.

Tiến về thân xe, cả hai ghi dấu ấn với các đường gân dập nổi và các chi tiết trang trí ngoại thất đẹp mắt, nhìn chung Triton MIVEC và BT-50 3.2 AT 4WD khá tương đồng ở góc nhìn này. Điều đó có thể kế đến như la-zăng hợp kim đúc kích thước 17-inch, tay nắm cửa mạ chrome, gương chiếu hậu mạ chrome cỡ lớn chỉnh/gập điện có tích hợp đèn báo rẽ và bậc lên xuống hai bên dành cho hành khách.

Đuôi xe của Triton tỏ ra gọn gàng hơn đôi chút, cụm đèn hậu ôm sát hai bên thùng xe thay vì kiểu tạo hình giọt nước và bố trí hẳn một phần trên nắp chắn thùng như BT-50, ngoài ra Mazda còn bổ sung hai đèn phản quang và đèn sương mù phía sau, một trang bị hiếm thấy ở những chiếc bán tải. Ở phía ngược lại, Mitsubishi lại là một trong số ít nhà sản xuất lựa chọn việc đặt đèn LED báo phanh ngay trên tay nắm mở nắp thùng, chi tiết này với cá nhân tôi là rất hiệu quả trong việc tăng khả năng nhận biết và cảnh báo khi di chuyển ở tốc độ cao.

Nội thất

Nếu các bạn thấy rằng Triton có khoảng cách hai trục ngắn hơn so với BT-50 mà cho rằng không gian hành khách của Mazda mang đến rộng rãi hơn thì điều đó sẽ không còn khi bước vào cabin được Mitsubishi thiết kế theo triết lý J-line. Và đến khi tôi soi kĩ hơn vào các tiểu tiết sau đây, các bạn sẽ càng bất ngờ bởi “điểm số” dành được cho nội thất mà Triton MIVEC có được nhỉnh hơn BT-50 3.2 AT 4WD.

Đầu tiên xét về ghế ngồi, cả hai cùng được trang bị chất liệu da cao cấp, sự nâng đỡ và sự thoáng đãng dành cho người ngồi ở trước và sau đều ở mức tốt. Nhưng Triton MIVEC đã vượt lên với ghế lái chỉnh điện 8 hướng cùng độ ngả lưng ở băng ghế sau là tốt nhất phân khúc – 25 độ, rất thoải mái trên những chặn đường dài. Trong khi đó, tôi vẫn không rõ vì sao Thaco chỉ trang bị tiêu chuẩn cho cả ba phiên bản BT-50 tại thị trường Việt Nam ghế lái chỉnh tay và hàng ghế sau chỉ có hai tựa đầu, phần nào khiến việc sử dụng của khách hàng có ít nhiều sự bất tiện.

Bảng tablo Triton và BT-50 đều mang thiết kế đối xứng và mở rộng về hai bên, tạo cảm giác thoáng đãng cho khoang cabin, chất liệu chính yếu cùng là nhựa cứng nên khá dễ lau chùi và tránh bám bẩn. Cụm điều khiểu gọn gàng và dễ dàng thao tác sử dụng là lợi thế của Triton khi mà đối thủ không trang bị màn hình cảm ứng đa chức năng.

Tiếp đến, tay lái của BT-50 3.2 AT 4WD là kiểu ba chấu bọc da và tích hợp các nút bấm chức năng, hỗ trợ cho người lái trong quá trình điều khiển xe. Còn ở Triton MIVEC, Mitsubishi không chỉ mang đến một thiết kế vô-lăng theo triết lý Dynamic Shiled đầy đẹp mắt mà còn có hai lẫy chuyển số thể thao nhũ bạc, tất cả kết hợp cùng nhau tạo nên một nơi cầm lái hiện đại và đầy phong cách thể thao.

Đồng hồ hiển thị là nơi Mazda ghi điểm nhờ thiết kế chăm chút và trẻ trung hơn, BT-50 có hai cụm vận tốc – vòng tua và màn hình LCD nằm gọn trong phần viền nhũ bạc. Mitsubishi Triton tiếp tục thể hiện sự giản đơn nhưng hiệu quả với đồng hồ hiển thị có các cụm hiển thị rõ ràng và được bố trí gọn gàng, liền lạc để người lái có thể nắm bắt tình trạng hoạt động của xe nhanh chóng.

Trang bị tiện nghi

Ở hạng mục thiết bị tiện nghi, Triton MIVEC tỏ ra nhỉnh hơn BT-50 3.2 AT 4WD dù rằng giá bán tốt hơn đối thủ. Đầu tiên chính là hệ thống thông tin giải trí, Mitsubishi cung cấp một màn hình cảm ứng 6.1-inch đa chức năng, kết hợp cùng đầu CD//AUX/USB và 6 loa âm thanh. Tuy bổ sung kết nối Bluetooh so với Triton nhưng điều khiển trung tâm của BT-50 lại xuất hiện một loạt các nút bấm và một màn hình nhỏ hiển thị các thông tin, điều này thật sự khá khó hiểu đối với một chiếc bán tải đã vượt mốc 800 triệu.

Các trang bị tiện nghi còn lại, Mitsubishi nhỉnh hơn ở nút bấm khởi động khi mà BT-50 chỉ sử dụng khóa cắm chìa như người “anh em xa” Ranger Wildtrak 3.2 AT, còn lại cả hai ngang tài ngang sức với điều hòa tự động hai vùng, hệ thống điều khiển hành trình Cruise Control, cửa kính chỉnh điện…

Động cơ – Vận hành

Nhờ được chia sẻ công nghệ từ Ford mà Mazda BT-50 3.2 AT 4WD có được “trái tim” vào loại mạnh mẽ hàng đầu phân khúc, 197 mã lực và 470 Nm đạt được ở mức vòng tua thấp, giúp xe có được sức kéo tốt dù “cân nặng” hơn hai tấn. Bù lại, lợi thế mà động cơ diesel tăng áp 4N15 mà Mitsubishi trang bị cho Triton MIVEC là khả năng vận hành ổn định, tiết kiệm và nhất là sự bền bỉ trứ danh của thương hiệu Nhật Bản, cộng thêm tự trọng bản thân chỉ hơn 1.800 đôi chút giúp Triton dễ dàng tăng tốc vượt mặt khi cần thiết.

Hộp số là yếu tố mà bạn sẽ phải phân vân lựa chọn khá nhiều, bởi dù BT-50 nhỉnh hơn với hộp số 6 cấp nhưng Triton 4×4 AT MIVEC lại không kém phần linh hoạt với hộp số thông minh INVECS II và cả hai lẫy chuyển số “có một không hai” ở phân khúc. Đảm bảo rằng cảm giác vừa vần vô-lăng vừa “nghịch” lẫy chuyển số trên một chiếc bán tải sẽ là trải nghiệm đầy thú vị và phấn khởi.

Hệ thống dẫn động chứng kiến màn “qua mặt” khéo léo của Triton MIVEC với Super Select II bao gồm bốn chế độ gài cầu và cả khóa vi sai trung tâm, trang bị mà theo tôi là đủ sức để chiếc bán tải của Mitsubishi tự tin chinh phục mọi thử thách khi kết hợp cùng góc thoát trước/sau 31/28, góc vượt đỉnh dốc 26 và góc lật ngang là 45 độ. Ở BT-50 3.2 At 4WD, hệ thống dẫn động và khung gầm chia sẻ từ Ranger hỗ trợ tốt trong các tình huống khó nhằn, việc chọn chế độ gài cầu cũng là đơn giản chỉ với một thao tác xoay nút chỉnh điện.

An toàn

Có lẽ danh sách an toàn là lý do hợp lý hơn cả để giải thích cho giá bán cao hơn đối thủ của BT-50 3.2 AT 4WD, tuy nhiên không thể phủ nhận các tính năng bảo vệ mà Mitsubishi cung cấp cho hành khách vẫn hết sức đáng tin cậy, giúp đưa Triton thành một trong số ít những mẫu pick-up nhận được chứng nhận 5 sao về an toàn của tổ chức ANCAP.

Kết luận

Có thể thấy, Mitsubishi Triton MIVEC giờ đây không chỉ là đại diện cho triết lý “ăn chắc mặc bền” mà còn trở thành một chiếc bán tải thật sự cơ động mạnh mẽ. Triton là nơi kết tinh của những giá trị cốt lõi như sự tiện nghi dành cho hành khách, khả năng vận hành linh hoạt bền bỉ bên trong một vẻ ngoài tinh tế và lịch lãm, cộng thêm giá bán cạnh tranh thì chắc chắn đây sẽ là món đầu tư cực kì đáng giá không chỉ dành cho những ai yêu mến logo “ba viên kim cương đỏ”.

Với “hồn Hoa Kỳ, da Nhật Bản”, BT-50 3.2 AT 4WD hẳn nhiên cuốn hút được nhóm khách hàng trẻ trung hơn, cần một mẫu xe có dáng vẻ hiện đại để thể hiện cá tính của bản thân, bên cạnh đó có thể đáp ứng tốt cho nhu cầu sử dụng hằng ngày cũng như những chuyến đi chơi xa cuối tuần. Theo bạn, đâu là mẫu bán tải sẽ chiến thắng

Cùng Danh Mục:

Liên Hệ Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *